A CÒNG, A VÒNG, A MÓC
Ký hiệu @ được biết đến ở Việt Nam cách đây chưa lâu nhưng nó đã
nổi tiếng đến mức hầu như ai ai cũng biết, thậm chí, người ta còn dùng nó để
gọi cả một thế hệ, một thời đại. Trong tiếng Việt, rất nhiều trường hợp được
dịch qua Hán Việt, hoặc qua những ngôn ngữ đồng văn như Nhật, Triều Tiên… nhưng
cũng có những trường hợp, khi vay mượn tên của ngôn ngữ khác thì người ta không
nghĩ ra tên gọi mới mà chỉ cần sao chép y nguyên (như “ô-tô”, “ti-vi”, “fax”…
và “nem”, “phở”, “áo dài”… vượt biên theo hướng ngược lại). Với ký hiệu @ nếu
dịch theo tên chính thức của nó là commercial
at (hoặc at sign) thì không phù
hợp cả ý nghĩa lẫn sự hình dung. Có lẽ vì thế mà người Việt Nam ta gọi theo cách dễ hình dung,
dễ nhớ nhất: a còng, a vòng, a móc...
tùy theo vùng miền. Thực ra ký hiệu này trong tiếng Anh cũng có nhiều cách gọi:
không chỉ commercial at, mà còn mercantile symbol, commercial symbol,
scroll, arobase, each, about vv.
Ngày nay ký hiệu @ có mặt ở khắp nơi, đặc biệt từ ngày nó trở thành một
phần không thể thiếu của địa chỉ thư điện tử. Thế nhưng trước thời đại máy tính
nó cũng đã từng hiện diện trên bàn phím của máy đánh chữ ở Mỹ từ năm 1885. Ký
hiệu @ được sử dụng trong thanh toán thương mại với nghĩa “có giá” (at the
rate). Thí dụ, 10 gallon dầu có giá 3,95 đô la Mỹ mỗi gallon, sẽ được viết ngắn
gọn: 10 gal of oil@$3.95/gal. Hoặc 7 widgets @ $2 each = $14, sẽ được dịch ra là “7 cái x 2 $/ mỗi cái =
14$.
Tuy nhiên nguồn gốc đầu tiên của “a còng” thì không ai biết chính xác.
Giả thiết phổ biến nhất là cách viết tắt giới từ ad của tiếng Latin thời Trung cổ do nhà ngôn ngữ học Ulman đề xuất.
Năm 2000, giáo sư Giorgio
Stabile tìm thấy ký hiệu này ở trong một bức thư của nhà buôn Francesco Lapi
viết năm 1536. Năm 2009 nhà sử học Tây Ban Nha, Jorge Romance tìm thấy ký hiệu @
trong bản “Taula de Ariza” được viết
năm 1448, nghĩa là khoảng một thế kỷ trước bức thư nói trên.
Người Tây Ban Nha và người Bồ Đào Nha gọi “a còng” là “arroba” (bình) mà
rồi sau đó người Pháp đọc trại thành “arobase”. Tuy nhiên, ở nhiều quốc gia
trên thế giới người ta gọi “a còng” theo nhiều cách gọi khác nhau nhưng phổ
biến nhất là dùng những tên động vật. Người Nga gọi @ là “con chó”, người Ba
Lan gọi là “con khỉ”, người Hy Lạp gọi là “con vịt”, người Đài Loan gọi là “con
chuột”, người Ý và Hàn Quốc – “con ốc”, người Hungari – “con sâu”, người Séc và
Slovakia – “cá trích muối”, người Thụy Điển và Đan Mạch – “vòi voi”, người Phần
Lan – “đuôi mèo” vv….
Ký hiệu @ được sử dụng trong các dịch vụ mạng để ngăn cách tên người sử
dụng với tên miền. Phổ biến nhất là hộp thư điện tử, thí dụ: somebody@example.com thì somebody
là tên người sử dụng, example.com là
tên miền. Nguyên nhân của điều này là ý nghĩa của giới từ at trong tiếng Anh – chỉ vị trí, nghĩa là somebody@example.com
cần đọc là somebody ở example.com (thí dụ: phuongthao@ursa.com.vn, nghĩa là Phương Thảo
ở công ty URSA Việt Nam ).
Lập trình viên Raymond Tomlinson là người đầu tiên sử dụng ký hiệu này tháng 11
năm 1971 (thư điện tử đã có từ trước đó, nhưng Raymond Tomlinson là người đầu
tiên dùng @ để phân chia tên người sử dụng và tên miền).
Ngoài thư điện tử, còn những dịch vụ khác cũng sử dụng ký hiệu này với ý
nghĩa như vậy:
Jabber (XMPP) — somebody@example.org;
LDAP — somebody@example.org;
- Các ngôn ngữ lập trình đều sử dụng ký hiệu @.
- Tổ chức sinh viên Thế giới AIESEC dùng @ như biểu tượng của mình trong
việc trao đổi thư từ nội bộ.
- Tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha và một số ngôn ngữ Roman khác dùng @ thay
cho chữ “o” với ý nghĩa không phân biệt giống ở các danh từ. Thí dụ, viết
amig@s thay vì amigos (những người bạn) và amigas (những người bạn gái).
- Ở châu Âu có biển chỉ đường với dấu @ thông báo về điểm truy cập
Internet công cộng.
- Kí hiệu @ có thể dùng để thay cho kí hiệu Ⓐ trong trường hợp không viết
được vì lý do kỹ thuật.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét