Đông Gioăng (Don Juan) là một nhân vật huyền thoại dân
gian ở châu Âu từ thời trung cổ. Còn trong văn học và nghệ thuật lần đầu tiên
cái tên này xuất hiện trong một vở kịch của nhà soạn kịch Tây Ban Nha Tirso de
Molina có tên “Gã quyến rũ người Sevilla và vị khách bằng đá” (El burlador de Sevilla y convidado de piedra - The Trickster of Seville and the Stone Guest). Nội dung của vở
kịch này là một câu chuyện có thực ở Sevilla thế kỷ XIV. Nguyên mẫu của nhân vật
huyền thoại này là Don Juan Tenorio – một chàng trai quý tộc ở Sevilla.
Đông Gioăng vốn là một chàng trai dũng cảm, táo bạo và có
phần vô đạo đức. Chàng đã dành cả cuộc đời mình cho việc tìm kiếm những thú vui
nhục dục. Tình yêu, bạo lực và những cuộc đấu táo bạo của chàng làm cả thành phố
Sevilla kinh hoàng.
Để chiếm hữu được một người phụ nữ, Đông Gioăng sẵn sàng
vi phạm cả luật đời cũng như luật đạo. Ngoài những cô gái quý tộc, các cô gái
con nhà lành, chàng còn quyến rũ cả những ni cô xinh đẹp. Đối với đất nước Tây
Ban Nha Thiên Chúa giáo thì đây là một việc làm tội lỗi. Nhưng pháp luật luôn
im lặng. Bởi vì nhà vua Pedro I de Castilla là bạn của Đông Gioăng.
Một lần, trong một cuộc trụy hoan có cả nhà vua, Đông
Gioăng đã quyến rũ rồi bắt cóc cô con gái xinh đẹp của viên trung tá Gonzalo de
Ulloa và đã giết chết người sĩ quan này. Nhưng luật pháp một lần nữa lại im lặng.
Thế rồi các ni cô quyết định sẽ tự mình xử kẻ trụy lạc và giết người. Họ cho một
ni cô xinh đẹp hẹn gặp gỡ với Đông Gioăng ở nhà thờ, nơi chôn viên sĩ quan bị
Đông Gioăng giết chết. Khi Đông Gioăng đến đây họ đã giết chết chàng và chôn ở
đó. Để tránh sự trừng phạt của nhà vua, họ loan tin rằng Đông Gioăng đã vứt bức
tượng của viên sĩ quan vào địa ngục. Thời đó ở Tây Ban Nha, một sự giải thích
như vậy được cho là hoàn toàn có lý.
Phần kết vở kịch của Tirso de Molina khác với câu chuyện
thực trên đây. Trong vở kịch này, sau khi giết chết viên sĩ quan, Đông Gioăng
đã chạy trốn khỏi Sevilla. Sau một thời gian chàng trở về và tình cờ đi ngang mộ
của viên sĩ quan nọ, trên mộ có dòng chữ ghi thề sẽ trả thù kẻ đã giết người. Đọc
dòng chữ này, Đông Gioăng đã mời bức tượng đá đi ăn tối. Bức tượng đá đã đến và
sau đó mời Đông Gioăng đến mộ mình. Đông Gioăng không thể thất hứa, đã đến ngôi
mộ của viên sĩ quan nọ. Sau khi ăn tối xong, cả hai cùng rơi vào địa ngục. Người
đầy tớ của Đông Gioăng báo tin cho nhà vua rằng Đông Gioăng đã bị Chúa Trời trừng
phạt.
Trong vở kịch của Tirso de Molina thì Đông Gioăng là một
người quyến rũ không chỉ ham mê khoái lạc mà còn là một quá trình đấu tranh để
chinh phục phụ nữ theo ý mình. Đông Gioăng là một kẻ chuyên đi chinh phục,
không cần quan tâm đến những chiến thắng dễ dàng: “Niềm vui lớn nhất của tôi là
quyến rũ phụ nữ, làm mất danh dự của họ rồi bỏ”. Tác phẩm nghệ thuật đầu tiên về
Đông Gioăng là như thế.
Năm 1630 vở kịch này lần đầu tiên được công diễn ở
Sevilla và đã thành công vang dội. Ba năm sau đấy được công diễn ở Ý, được người
Ý thêm bớt theo cách của mình và cũng thành công không kém. Tiếp đó đến Pháp, Đức
và các nước châu Âu khác.
Viết về Đông Gioăng có các nhà soạn kịch, nhà văn, nhà
thơ nổi tiếng thế giới như: Carlo Goldoni,
Nikolaus Lenau, Molière, Alfred de Musset, Lord Byron, Prosper
Mérimée, Aleksander Pushkin… Tất cả có
gần 140 tác phẩm văn học nghệ thuật trên thế giới viết về huyền thoại này.
Thường thì nhân vật không còn
giống so với nguyên mẫu mà Đông Gioăng trở thành một chàng trai mơ mộng, rất
lãng mạn, đôi khi còn là một chiến sĩ đấu tranh cho tự do. Theo dòng thời gian,
tính cách táo bạo của Đông Gioăng được thay thế bằng tính cách dễ mến hơn, và
cuối cùng, huyền thoại ở Sevilla trở thành một nhân vật vô cùng quyến rũ.
Đông Gioăng ngang hàng cùng với
Đông Ki-sốt (Don Quijote), Faust, Hamlet, là những hình tượng
muôn thuở trong văn học, nghĩa là những hình tượng mang một ý nghĩa chung của
nhân loại. Cái tên Đông Gioăng vượt ra ngoài khuôn khổ của những tác phẩm văn học
nghệ thuật và được dùng không chỉ để gọi tên nhân vật. Cái tên này đã trở thành
một danh từ chung, thường được sử dụng như là một hình dung từ.
Theo cách hiểu chung của người
đời thì “Đông Gioăng” là kẻ phóng đãng, kẻ tán gái thần sầu, kẻ quyến rũ từng
làm tan nát biết bao con tim phụ nữ. Nhiều chàng “Đông Gioăng” cảm thấy một
cung bậc cảm xúc cao nhất ở cái thời điểm quyến rũ và vượt qua được trở ngại.
Còn khi người phụ nữ đã qui hàng thì họ lại mất đi sự hứng thú. Nhiều người đàn
ông cảm thấy vui, dù thầm lặng, khi thấy người ta gọi mình là “Đông Gioăng”. Mặc
dù, quả thực điều này cũng không có gì lấy làm ngạc nhiên, vì rằng nhiều khi sự
phóng đãng lại hấp dẫn hơn nhiều so với đạo đức phẩm hạnh. Không phải ngẫu
nhiên mà ở Sevilla người ta đã dựng tượng Don Juan Tenorio, kẻ phóng đãng đã làm cho Sevilla nổi tiếng
khắp thế giới.
Ở Việt Nam cái tên
Đông Gioăng cũng nổi tiếng không kém và thường thường người ta hình dung Đông
Gioăng là Sở Khanh. Tuy nhiên không phải tất cả đều nghĩ như vậy vì những lý do
như đã nói. Dù sao, Đông Gioăng là một người tình vĩ đại, mà nguyên mẫu thì ai
cũng chỉ nghe loáng thoáng qua vậy thôi. Còn chuyện hình ảnh Đông Gioăng trở
thành vĩnh cửu, đời đời là bởi vì trong sâu thẳm cõi lòng, mỗi người đàn ông đều
muốn được như Đông Gioăng, còn những người phụ nữ thì vẫn muốn và yêu những
chàng Đông Gioăng như vậy.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét