Những câu chuyện tình hay nhất thế giới

Tiếp theo tập “Những giai thoại hay nhất về tình yêu và cuộc sống”

Những câu chuyện tình hay nhất thế giới

Tiếp theo tập “Những giai thoại hay nhất về tình yêu và cuộc sống”

Những câu chuyện tình hay nhất thế giới

Tiếp theo tập “Những giai thoại hay nhất về tình yêu và cuộc sống”

Những câu chuyện tình hay nhất thế giới

Tiếp theo tập “Những giai thoại hay nhất về tình yêu và cuộc sống”

Những câu chuyện tình hay nhất thế giới

Tiếp theo tập “Những giai thoại hay nhất về tình yêu và cuộc sống”

Thứ Tư, 30 tháng 11, 2016

Sư Long Thọ

Long Thọ (Nagarjuna) - một trong những luận sư vĩ đại nhất của Phật giáo có lần đi chu du thiên hạ. Hoàng đế Ấn Độ một người rất hâm mộ sư Long Thọ đã tặng ông một cái chén to bằng vàng để đi khất thực. Cái chén vàng là một vật rất quí giá còn Long Thọ một nhà sư bán khỏa thân.
Một tên trộm đi ngang qua đã không thể tin vào mắt mình: một vật quí giá như vậy lại ở trong tay một người đàn ông nghèo này! tên trộm đã đi theo ông.
Sư Long Thọ dừng lại nghỉ đêm tại một tu viện cũ nát. Tên trộm vui mừng may mắn, và hắn nghĩ:
- Đến đêm, khi ông ta ngủ thiếp đi, ta sẽ đến lấy chén mà không có bất kỳ khó khăn nào.
Và hắn trốn đằng sau một bức tường.
Sư Long Thọ cảm nhận được và hiểu rằng người đàn ông này muốn làm gì. Ông bước ra và nói:
- Ngươi cứ việc đến lấy chén đi để ta có thể ngủ yên. Ta không muốn làm cho ngươi trở thành một tên trộm, vì vậy ta đã suy nghĩ quyết định tặng nó cho ngươi. Đằng nào thì ngươi cũng lấy, vậy thì tại sao lại không tặng nó cho ngươi? Hãy cầm lấy!
Tên trộm không ngờ sự việc lại xảy ra như vậy. Hắn bước đến và cúi đầu dưới bàn chân củaLong Thọ. Ông nói:
- Bây giờ thì ngươi có thể đi được rồi bởi vì ta không còn gì khác. Hãy vui mừng và hãy để cho ta được yên.
Nhưng tên trộm nói:
- Xin chờ con một chút hỡi con người thánh thiện. Con cũng muốn trở thành một người không quyến luyến với vật chất. Ngài làm cho con cảm thấy rất khổ sở. Liệu có một con đường mà con có thể đạt được đỉnh cao của sự giác ngộ?
Sư Long Thọ nói:
- Có, có con đường như vậy!
Tên trộm nói:
- Nhưng Ngài đừng nói với con rằng trước tiên con phải bỏ ăn trộm. Bởi vì con đã từng đến nhiều vị thánh và thần bí, tất cả đều nói: “Trước tiên hãy bỏ ăn trộm”. Con đã cố gắng thử, nhưng con không thể đáp ứng điều kiện này.
Sư Long Thọ nói:
- Rõ một điều, con chưa gặp được một người thần bí thực sự. Con đã gặp những kẻ mà trước đây cũng từng trộm cắp. Nếu không, tại sao một người nào đó lại lo lắng rằng con là một tên trộm? Con cứ việc ăn trộm! Đó không phải là việc của ta. Ta không quan tâm. Chỉ có một điều ta yêu cầu con: hãy đi làm những gì con đang làm, nhưng làm điều đó một cách có ý thức. Đừng làm bất cứ điều gì một cách máy móc. Hãy nhận biết những gì con đang làm.
Tên trộm nói:
- Điều này thì con đồng ý. Con sẽ cố gắng thử.
Sư Long Thọ trả lời:

- Ta sẽ chờ đợi con ở đây, trong tu viện này mười lăm ngày. Con có thể đến đây và cho ta biết tất cả.
Vào ngày thứ mười, tên trộm đến tu viện và nói:
- Ngài giỏi thật! Con đã thử làm và con đã may mắn. Một hôm con lẻn vào một ngôi nhà. Ở đó có rất nhiều của cải. Con nhớ lời đã hứa, nên có sự giác ngộ và con cảm thấy một sự bình tĩnh và một sự thờ ơ làm cho con không muốn ăn cắp, con không thể lấy gì mang theo mình.
Sư Long Thọ nói:
- Đó là những gì con đã hiểu. Bây giờ tất cả mọi thứ phụ thuộc vào sự lựa chọn của con. Con có thể không tiếp nhận sự giác ngộ và vẫn là một tên trộm, hoặc con có thể tiếp nhận sự giác ngộ và trở thành một con người khác. Con cứ việc tiếp tục ăn trộm, nếu con có thể làm điều đó với sự giác ngộ. Thì khi đó ta không còn gì lo lắng cho con nữa.
Tên trộm nói:

- Nhưng điều đó là không thể. Con đã cố gắng thử. Nếu con giác ngộ thì con không thể ăn trộm. Quả thật, Ngài đã bắt gặp con. Con đã không thể từ bỏ được sự giác ngộ này. Con cảm nhận được hương vị của nó. 


Bảy loại vợ

Một hôm Đức Phật đến dự lễ cúng dường ở nhà cư sĩ Tu Đạt Đa giàu có thì nghe tiếng cãi cọ từ nhà dưới vọng lên. Đức Phật hỏi Tu Đạt Đa:
- Có chuyện gì mà người ta ầm ĩ lên thế, giống như bà hàng cá bị mất trộm thúng cá vậy?
Chủ nhà chia sẻ với Đức Phật về nỗi khổ tâm của mình. Ông nói rằng trong nhà có cô con dâu tên là Sujata. Cô dâu là con của một gia đình rất giàu có, cô không nghe lời chồng, không nghe lời bố mẹ chồng và không thích cúng dường.
Đức Phật cho gọi Sujata lên và hỏi:
- Sujata, có bảy loại vợ trên đời này. Đó là vợ như sát nhân, vợ như trộm cướp, vợ như chủ nhân, vợ như người mẹ, vợ như em gái, vợ như người bạn và vợ như người hầu. Con thuộc loại vợ nào, hãy nói cho Như Lai biết.
Sujata quên hết vẻ cao ngạo thường ngày, khiêm tốn trả lời Đức Phật:
- Bạch Đức Thế Tôn, con không hiểu hết ý nghĩa của những lời ngắn gọn như vậy.
- Nghe này, Sujata, nghe rồi hãy nhớ giữ lại trong trái tim của con.
Và Đức Phật bắt đầu mô tả bảy loại vợ, bắt đầu từ người vợ xấu xa nhất, người này ghét bỏ chồng, thông dâm với người khác và thường xuyên làm điều ác với chồng… và kết thúc ở người vợ ngoan hiền nhất, người này giống như một người hầu: luôn luôn làm theo ý chồng, luôn ngoan ngoãn và luôn quan tâm đến những việc làm của chồng.
- Đấy, có bảy loại vợ như thế. Con thuộc loại vợ nào?
- Bạch Đức Thế Tôn, kể từ ngày hôm nay, có thể gọi con là người vợ giống như nàng hầu, luôn ngoan ngoãn nghe theo ý chồng và luôn quan tâm đến những việc làm của chồng.


Tình yêu đích thực

Một lần, khi Đức Phật và các đệ tử của Ngài đang ngồi nghỉ dưới bóng của một cây bồ đề lớn thì có một gái điếm chạy đến. Vừa nhìn thấy khuôn mặt thánh thiện, sáng ngời vẻ đẹp như tiên thần của Ngài, cô gái đã yêu ngay, trong sự phấn chấn cao độ, với vòng tay rộng mở, cô kêu lên:
- Hỡi người đàn ông tuyệt đẹp và đang tỏa sáng, em yêu anh!
Những đệ tử, vốn đã đoạn tuyệt với đời sống hôn nhân, cảm thấy vô cùng ngạc nhiên khi nghe Đức Thế Tôn nói với cô gái điếm:
- Ta cũng yêu em, nhưng hỡi người yêu dấu, em đừng động đến ta lúc này.
Cô gái điếm hỏi:
- Anh gọi em là người yêu dấu và em yêu anh, vậy thì tại sao anh lại cấm em động chạm đến anh?
Đức Thế Tôn trả lời:
- Hỡi người yêu dấu, ta nhắc lại, bây giờ chưa phải lúc, sau này ta sẽ đến với em. Ta muốn kiểm tra tình yêu của mình!
Các đệ tử nghĩ trong lòng: “Chẳng lẽ Đức Thế Tôn lại yêu cô gái điếm?”
Mấy năm sau đó, khi Đức Phật đang ngồi thiền cùng với các đệ tử, bỗng nhiên Ngài kêu lên:
- Ta cần phải đi, người phụ nữ yêu dấu gọi ta, bây giờ quả thực nàng cần đến ta.
Các đệ tử cũng chạy đi theo Đức Phật, người mà họ nghĩ rằng đã yêu cô gái điếm và bây giờ chạy đến để gặp cô ta. Tất cả cùng chạy đến ngôi làng, nơi họ gặp cô gái điếm mấy năm về trước. Cô gái vẫn ở đó. Thân thể tuyệt đẹp của cô gái ngày nào bây giờ lở loét và đầy mụn. Các đệ tử cảm thấy vô cùng thất vọng, còn Đức Phật bế thân thể gầy gò của cô gái đến nhà thương và nói với nàng:
- Hỡi người yêu dấu, ta đã đến để kiểm tra tình yêu của mình đối với em và thực hiện lời đã hứa với em. Từ lâu ta đã chờ cơ hội để thể hiện tình yêu đích thực đối với em, vì rằng, ta yêu em khi mà những người khác đã không còn yêu em nữa, ta ôm em khi mà tất cả bạn bè của em không muốn chạm đến người em.
Sau khi chữa lành bệnh, cô gái này trở thành học trò của Đức Phật. 




Tình Yêu là quí giá nhất trong đời


Ngày xửa ngày xưa trên trái đất này có một hòn đảo, nơi cư ngụ tất cả mọi giá trị tinh thần. Nhưng có một hôm chúng bỗng nhận ra rằng hòn đảo đang chìm dần vào nước biển. Tất cả mọi giá trị ấy leo lên thuyền vào đất liền lánh nạn. Trên hòn đảo chỉ còn một mình Tình Yêu ở lại. Tình Yêu đợi chờ đến giây phút cuối nhưng đến lúc hiểu ra là đã không còn gì để đợi thì mới quyết định ra đi. 
Tình Yêu nhờ Giàu Có cho mình đi theo nhưng Giàu Có trả lời: “Trên thuyền của ta có quá nhiều vàng bạc nên không còn chỗ để cho em”. Khi đó Tình Yêu nhờ Nỗi Buồn thì Nỗi Buồn cũng nói: “Xin lỗi nhé, Tình Yêu, ta buồn nên lúc nào cũng cần sự cô đơn”. Tình Yêu bèn nhờ xin Hãnh Diện nhưng Hãnh Diện trả lời rằng sợ Tình Yêu làm mất đi sự hài hòa ở trên thuyền. Hỏi sang nhờ Hân Hoan thì Hân Hoan mải mê với Vui Mừng nên không nghe ra lời khẩn khoản. Tình Yêu hoàn toàn tuyệt vọng… 

Bỗng nhiên Tình Yêu nghe một giọng nói từ phía sau: “Nào Tình Yêu, em hãy theo ta!” Tình Yêu quay lại thấy một ông già. Ông già này chở Tình Yêu vào đến đất liền rồi lại quay ra biển. Sau đấy, Tình Yêu sực nhớ là mình quên hỏi tên cái người đã giúp. Khi đó Tình Yêu hỏi Nhận Thức: 
– Nhận Thức có biết là ai đã giúp cho em không? Cái ông già kia là ai vậy? 
Nhận Thức trả lời: 
– Đấy là Thời Gian. 
– Thời Gian? – Tình Yêu hỏi lại – thế tại sao Thời Gian lại giúp em? 
Nhận Thức vừa trả lời Tình Yêu, vừa bơi đi theo ông già lúc nãy: 
– Bởi vì chỉ có Thời Gian biết rằng Tình Yêu trong đời là quí giá nhất! … 



Một hôm Điên Rồ mời bạn bè đến nhà mình uống nước. Tất cả mọi người đều đến vui vẻ. Họ cùng ăn bánh ngọt, uống trà atisô và hát hò. Sau đó Điên Rồ đề nghị mọi người cùng chơi trò ú tim: “Tôi đếm đến một trăm, còn các bạn hãy chạy trốn. Người nào bị tìm ra đầu tiên lại sẽ tiếp tục đếm đến một trăm”. Tất cả đồng ý, chỉ trừ Sợ Hãi và Lười Nhác. 
– Một, hai, ba… – Điên Rồ bắt đầu đếm. 
Tất cả chạy đi trốn. Hân Hoan chạy trốn ra vườn. Nỗi Buồn ngồi khóc cho kiếp phù sinh. Ghen Tỵ chạy đến bên Vui Mừng đang nấp sau vách đá dựng. Tuyệt Vọng thấy mất hết niềm tin khi Điên Rồ đếm đến gần số 99. 
– Một trăm! – Điên Rồ kêu lên – Tôi đi tìm! 
Người đầu tiên bị tìm ra là Tò Mò. Tay này đang ghé mắt nhìn xem ai sẽ bị bắt đầu tiên. Sau đó Điên Rồ tìm thấy Nghi Ngờ vắt vẻo trên bờ giậu, đang lưỡng lự không biết nên trốn về phía nào… 
Tất cả đã bị tìm ra. Và Tò Mò bỗng hỏi: 
– Thế Tình Yêu ở đâu? 
Tất cả chạy đi tìm Tình Yêu. Điên Rồ chạy đi xa nhất và đến lúc lạc vào một khu vườn ngát hương. Trong một bụi cây có tiếng ồn. Điên Rồ khẽ rung một cành hồng thì bỗng có tiếng kêu. Đấy là Tình Yêu. Tình Yêu bị gai hoa hồng đâm vào mắt. Điên Rồ cuống quít, gãi đầu gãi tai rồi quì xuống xin tha thứ. Sau đó, Điên Rồ hứa với Tình Yêu rằng sẽ mãi mãi đi bên nàng. Và Tình Yêu đồng ý. 
Kể từ ngày đó cho đến bây giờ, Tình Yêu mù quáng luôn đi cùng với Điên Rồ. 


Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2016

Nguồn gốc từ "OK"


NGUỒN GỐC TỪ “O. K”

Từ Mỹ “O. K” là một từ phổ biến nhất trên thế giới. Từ này đi vào nhiều ngôn ngữ, với tiếng Việt cũng có thể nói như vậy. “O. K” được thừa nhận như là một biểu tượng có nghĩa là “tất cả đều tốt đẹp”.

Có rất nhiều giả thiết về xuất xứ của từ này.
Giả thiết phổ biến nhất cho rằng “O. K” là viết tắt vùng quê của tổng thống Mỹ Martin Van Buren, Old Kinderhооk, bang New York. Van Buren chọn cho mình tên hiệu trùng tên vùng quê của ông trong cuộc vận động tranh cử tổng thống: “Old Kinderhооk is O.K”.
Giả thiết thứ hai cho rằng “O. K” là viết tắt của “оll kоrrect” (là cách viết không đúng của từ “all correct” “tất cả đều đúng”) trong một tờ báo ở Boston năm 1839. Một giả thiết tương tự cho rằng tổng thống Jackson dùng từ này khi ký các quyết định. Ông viết “all correct” theo kiểu tiếng Đức “oll korrekt” hoặc viết tắt “O. K”.
Một giả thiết có phần dân gian về xuất xứ của “O.K”. Thí dụ, người Pháp nói rằng từ này ra đời trong thời chiến tranh, khi mà họ viết báo cáo hàng ngày về những người lính tử trận. Họ viết “0 killed” (0 – không người chết”, đôi khi viết gọn thành “O. K”. Sau đó từ này được các phi công Anh sử dụng hàng ngày khi họ thông báo về sở chỉ huy rằng không có thiệt hại và không có vấn đề gì.
Một giả thiết nữa cho rằng “O. K” có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp “OLA KALA”, là câu mà các thủy thủ người Hy Lạp và những nhân viên xây dựng đường sắt ở Mỹ đánh dấu trên đường ray, có nghĩa là “tất cả đều tốt đẹp”.
Còn những người dân thành phố Oklahoma thì khẳng định rằng “O. K” là chữ viết tắt bang của họ thường được dùng trong các cuộc vận động tranh cử.



A còng




A CÒNG, A VÒNG, A MÓC

Ký hiệu @ được biết đến ở Việt Nam cách đây chưa lâu nhưng nó đã nổi tiếng đến mức hầu như ai ai cũng biết, thậm chí, người ta còn dùng nó để gọi cả một thế hệ, một thời đại. Trong tiếng Việt, rất nhiều trường hợp được dịch qua Hán Việt, hoặc qua những ngôn ngữ đồng văn như Nhật, Triều Tiên… nhưng cũng có những trường hợp, khi vay mượn tên của ngôn ngữ khác thì người ta không nghĩ ra tên gọi mới mà chỉ cần sao chép y nguyên (như “ô-tô”, “ti-vi”, “fax”… và “nem”, “phở”, “áo dài”… vượt biên theo hướng ngược lại). Với ký hiệu @ nếu dịch theo tên chính thức của nó là commercial at (hoặc at sign) thì không phù hợp cả ý nghĩa lẫn sự hình dung. Có lẽ vì thế mà người Việt Nam ta gọi theo cách dễ hình dung, dễ nhớ nhất: a còng, a vòng, a móc... tùy theo vùng miền. Thực ra ký hiệu này trong tiếng Anh cũng có nhiều cách gọi: không chỉ commercial at, mà còn mercantile symbol, commercial symbol, scroll, arobase, each, about vv.

Ngày nay ký hiệu @ có mặt ở khắp nơi, đặc biệt từ ngày nó trở thành một phần không thể thiếu của địa chỉ thư điện tử. Thế nhưng trước thời đại máy tính nó cũng đã từng hiện diện trên bàn phím của máy đánh chữ ở Mỹ từ năm 1885. Ký hiệu @ được sử dụng trong thanh toán thương mại với nghĩa “có giá” (at the rate). Thí dụ, 10 gallon dầu có giá 3,95 đô la Mỹ mỗi gallon, sẽ được viết ngắn gọn: 10 gal of oil@$3.95/gal. Hoặc 7 widgets @ $2 each = $14, sẽ được dịch ra là “7 cái x 2 $/ mỗi cái = 14$.

Tuy nhiên nguồn gốc đầu tiên của “a còng” thì không ai biết chính xác. Giả thiết phổ biến nhất là cách viết tắt giới từ ad của tiếng Latin thời Trung cổ do nhà ngôn ngữ học Ulman đề xuất. Năm 2000, giáo sư Giorgio Stabile tìm thấy ký hiệu này ở trong một bức thư của nhà buôn Francesco Lapi viết năm 1536.  Năm 2009 nhà sử học Tây Ban Nha, Jorge Romance tìm thấy ký hiệu @ trong bản “Taula de Ariza” được viết năm 1448, nghĩa là khoảng một thế kỷ trước bức thư nói trên.

Người Tây Ban Nha và người Bồ Đào Nha gọi “a còng” là “arroba” (bình) mà rồi sau đó người Pháp đọc trại thành “arobase”. Tuy nhiên, ở nhiều quốc gia trên thế giới người ta gọi “a còng” theo nhiều cách gọi khác nhau nhưng phổ biến nhất là dùng những tên động vật. Người Nga gọi @ là “con chó”, người Ba Lan gọi là “con khỉ”, người Hy Lạp gọi là “con vịt”, người Đài Loan gọi là “con chuột”, người Ý và Hàn Quốc – “con ốc”, người Hungari – “con sâu”, người Séc và Slovakia – “cá trích muối”, người Thụy Điển và Đan Mạch – “vòi voi”, người Phần Lan – “đuôi mèo” vv….

Ký hiệu @ được sử dụng trong các dịch vụ mạng để ngăn cách tên người sử dụng với tên miền. Phổ biến nhất là hộp thư điện tử, thí dụ: somebody@example.com thì somebody là tên người sử dụng, example.com là tên miền. Nguyên nhân của điều này là ý nghĩa của giới từ at trong tiếng Anh – chỉ vị trí, nghĩa là somebody@example.com cần đọc là somebody example.com (thí dụ: phuongthao@ursa.com.vn, nghĩa là Phương Thảo ở công ty URSA Việt Nam). Lập trình viên Raymond Tomlinson là người đầu tiên sử dụng ký hiệu này tháng 11 năm 1971 (thư điện tử đã có từ trước đó, nhưng Raymond Tomlinson là người đầu tiên dùng @ để phân chia tên người sử dụng và tên miền).

Ngoài thư điện tử, còn những dịch vụ khác cũng sử dụng ký hiệu này với ý nghĩa như vậy:
Jabber (XMPP) — somebody@example.org;

- Các ngôn ngữ lập trình đều sử dụng ký hiệu @.
- Tổ chức sinh viên Thế giới AIESEC dùng @ như biểu tượng của mình trong việc trao đổi thư từ nội bộ.
- Tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha và một số ngôn ngữ Roman khác dùng @ thay cho chữ “o” với ý nghĩa không phân biệt giống ở các danh từ. Thí dụ, viết amig@s thay vì amigos (những người bạn) và amigas (những người bạn gái).
- Ở châu Âu có biển chỉ đường với dấu @ thông báo về điểm truy cập Internet công cộng.
- Kí hiệu @ có thể dùng để thay cho kí hiệu trong trường hợp không viết được vì lý do kỹ thuật.





Tự bạch của Phridrich Ăngghen


TỰ BẠCH CỦA FREDERICK ENGELS

Từ thập niên 60 của thế kỷ 19, ở Anh và Đức rất phổ biến một trò chơi là trả lời các câu hỏi trong album, tiếng Anh gọi là Confession, tiếng Việt gọi là Tự bạch. Dưới đây là Tự bạch của Phridrich Ăngghen, người cùng với Các Mác đã sáng lập và phát triển Chủ nghĩa cộng sản. Ông là tác giả nhiều tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác cũng như nhiều tác phẩm khoa học có giá trị. Ông cũng là đồng tác giả bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản cùng với Mác. Chúng ta đã từng biết đến những lời Tự bạch nổi tiếng của Các Mác nhưng Engels’ Confession thì chưa thấy ai dịch ra tiếng Việt.
Dưới đây là những câu trả lời ông viết trong album của Jenny, con gái Mác.

-Đức tính mà ông thích nhất?
Vui nhộn.
-Ở nam giới?
Biết quan tâm đến công việc của mình.
-Ở phụ nữ?
Không vứt đồ đạc bừa bãi.
-Đặc điểm chính của ông?
Biết một nửa tất cả mọi thứ.
-Quan niệm của ông về hạnh phúc?
Rượu vang Château Margaux sản xuất năm 1848.
-Quan niệm của ông về bất hạnh?
Đấy là khi phải đến nha sĩ.
-Thói xấu mà ông dễ tha thứ?
Không có chừng mực mọi kiểu.
-Thói xấu mà ông căm ghét?
Thói đạo đức giả.
-Ông có ác cảm với ai?
Những phụ nữ điệu bộ và kiêu căng.
-Người mà ông không thích nhất?
Spurgeon.
-Việc làm yêu thích của ông?
Trêu đùa và được trêu lại.
-Nam nhân vật yêu thích của ông?
Không có.
-Nữ nhân vật yêu thích của ông?
Có quá nhiều.
-Nhà thơ yêu thích của ông?
Reineke de Vos, Shakespeare, Ariosto.
-Nhà văn yêu thích của ông?
Goethe, Lessing, Dr Samelson.
-Loài hoa yêu thích của ông?
Hoa chuông xanh.
-Màu sắc yêu thích của ông?
Tất cả màu, kể cả Anilin.
-Món ăn nguội yêu thích của ông?
Salat.
-Món ăn nóng yêu thích của ông?
Món thịt hầm Ai-len.
-Câu châm ngôn yêu thích của ông?
Không có.
-Phương châm yêu thích của ông?
Ung dung tự tại.


Hai người trong ống khói

 HAI NGƯỜI TRONG ỐNG KHÓI

Thập niên 20 thế kỷ XX ở New York có một chàng trai trẻ tìm đến một giáo sĩ đạo Do Thái và nói rằng chàng muốn tìm hiểu về kinh Talmud.
- Con biết tiếng Aramaic không?
- Không ạ.
- Thế tiếng Hebrew?
- Không ạ.
- Thế hồi nhỏ đã học Torah chưa?
- Dạ chưa. Nhưng thầy yên tâm. Con đã tốt nghiệp khoa triết Đại học Berkeley và đã bảo vệ luận án về logic của triết học Socrates. Nhưng bây giờ con muốn bổ túc phần còn thiếu trong kiến thức của mình nên con muốn tìm hiểu thêm về kinh Talmud.
- Con chưa sẵn sàng để học Talmud đâu – giáo sĩ nói – đấy là quyển sách sâu sắc nhất trong số những gì do con người viết ra. Nhưng nếu con cứ năn nỉ thì ta sẽ kiểm tra logic của con, nếu được thì ta đồng ý dạy con.
Chàng trai trẻ đồng ý và giáo sĩ bắt đầu.
- Hai người đi trong một đường ống dẫn khói. Một người bước ra với gương mặt sạch còn người kia – mặt dính đầy nhọ. Ai trong số họ sẽ đi rửa mặt?
Chàng trai trẻ ngạc nhiên.
- Đây là câu kiểm tra logic ư?!
Vị giáo sĩ gật đầu.
- Tất nhiên là người mặt dính đầy nhọ sẽ đi rửa mặt.
- Không đúng. Con hãy nghĩ cho thật logic mà xem: người mặt dính đầy nhọ sẽ nhìn vào người có khuôn mặt sạch và nghĩ rằng mặt của mình cũng sạch như thế. Còn người mặt sạch nhìn sang người mặt dính đầy nhọ sẽ nghĩ rằng mặt của mình cũng thế nên vội vàng đi rửa mặt.
- Láu cá thật! Chàng trai tỏ vẻ khâm phục và đề nghị một câu kiểm tra nữa.
- Được thôi. Hai người đi trong một đường ống dẫn khói. Một người bước ra với gương mặt sạch còn người kia – mặt dính đầy nhọ. Ai trong số họ sẽ đi rửa mặt?
- Thì vừa trả xong đấy thôi ạ - người có gương mặt sạch.
- Không đúng. Cả hai người đều đi rửa mặt. Con hãy nghĩ xem: người mặt sạch sẽ nhìn sang người mặt bẩn và nghĩ rằng mặt của mình cũng bẩn. Còn người mặt bẩn thấy người kia đi rửa mặt thì sẽ hiểu rằng mặt của mình bẩn nên cũng đi rửa mặt.
- Thế mà con không nghĩ đến! Quả thật con đã sai về logic. Hãy ra cho con một câu kiểm tra nữa đi ạ.
- Nhất trí thôi. Hai người đi trong một đường ống dẫn khói. Một người bước ra với gương mặt sạch còn người kia – mặt dính đầy nhọ. Ai trong số họ sẽ đi rửa mặt?
- Thì… Cả hai người cùng đi rửa mặt.
- Không đúng. Không ai đi rửa mặt cả. Con hãy nghĩ cho thật logic xem: người mặt bẩn nhìn sang người mặt sạch và không đi rửa mặt. Còn người mặt sạch thấy người mặt bẩn không đi rửa mặt sẽ hiểu rằng mặt của mình sạch nên không đi rửa mặt.
Chàng trai cảm thấy thất vọng hoàn toàn.
- Nhưng mà con có thể học Talmud được. Thầy hãy hỏi con điều gì khác đi.
- Thôi được. Hai người đi trong một đường ống dẫn khói. Một người bước ra với gương mặt sạch còn người kia – mặt dính đầy nhọ. Ai trong số họ sẽ đi rửa mặt?
- Ôi, lạy Chúa! Không ai đi rửa mặt cả!!!
- Không đúng. Bây giờ thì con đã hiểu rằng kiến thức logic của triết học Socrates còn chưa đủ để mà học kinh Talmud. Con hãy nghĩ lại mà xem: làm gì có chuyện hai người cùng đi trong một đường ống dẫn khói ấy mà một người dính đầy nhọ còn người kia thì không?! Bởi vì đây là một câu hỏi vô nghĩa ngay từ đầu, nếu con mất thời gian để đi trả lời những câu hỏi vô nghĩa thì toàn bộ câu trả lời của con sẽ là vô nghĩa vậy.

Truyền thống Do Thái không phủ nhận tư duy trìu tượng về nguyên tắc. Các nhà thông thái có gắng dự tính tất cả mọi tình huống đã được kinh Talmud xem xét đến, đôi khi những tình huống này có ít khả năng xảy ra. Nhưng tự thân vấn đề đem ra nghiên cứu phải có ý nghĩa cụ thể và điểm tựa vững vàng trong đời sống thực tế.
  

Cao thượng và xảo quyệt


CAO THƯỢNG VÀ XẢO QUYỆT

Đất nước Ấn Độ đã nhiều lần làm cho nhiều kẻ xâm lược bị thất bại. Một trong những kẻ xâm lược như vậy là Muhammad của Ghazni. Ông ta đã tấn công Ấn Độ và mười tám lần và cả mười tám lần đều bị thất bại.
Trong lần cuối cùng bị đánh bại, ông ta đã trú ẩn trong một hang động, giống như một con chó bị đánh tơi tả. Ông ta ngồi đó, xem xét vị trí của mình, ông để ý đến những con nhện giăng tơ.
Muhammad quan sát hành động của con nhện. Khi cơn mưa rơi xuống, con nhện cố gắng để bám vào mạng nhện nhưng nó bị vỡ ra và con nhện rơi xuống. Nó rơi đúng mười tám lần, nhưng đến lần thứ mười chín đã thành công. 
Muhammad đột nhiên reo hò, ông ta nghĩ đó là một dấu hiệu của số phận. Ông ta đã nghĩ đến việc làm sao mà trở về trong thất bại. Lần nào cũng bị đánh bại. Hàng ngàn binh lính đã thiệt mạng vì sự cầm quân yếu kém của ông.
Prithviraj Chauhan, người đang đứng ở biên giới người cai trị khu vực biên giới của Ấn Độ. Ông đã mười tám lần đánh bại Muhammad. Người ta khuyên ông là nên đánh tiếp vào hang ổ của kẻ thù. Họ nói rằng Muhammad sẽ lại tiếp tục đánh sang, bởi thế cần phải đánh cho tan tác.
Nhưng Prithviraj Chauhan một người nhân đạo. Ông nói: Những người sống ở trong nước của Muhammad không phải là kẻ thù của chúng ta, họ không có tội gì cả. Quân đội của chúng ta không phải là để chinh phục đất nước khác. Nếu chúng lại đến một lần nữa, chúng ta sẽ đánh tan chúng một lần nữa”…
Nhưng ông đã không nghĩ rằng Muhammad công ngay lập tức sau khi bị thất bại. Quân đội của Ấn Độ đã vừa giải tán. Muhammad đột nhiên tấn công và giành được chiến thắng. 
Prithviraj bị bắt và theo lệnh của Muhammad ông bị móc cả hai con mắt. Đấy là sự trả thù cho những thất bại trước đó.
Prithviraj là một người đàn ông rất đẹp trai và là một cung thủ lão luyện. Trong thời gian chờ án tử hình, ông cùng với người bạn – nhà thơ ngồi trong nhà tù. Khi họ bị đưa đến một cánh đồng để hành quyết, người bạn – nhà thơ nọ yêu cầu Muhammad một điều. Ông nói:
- Prithviraj là một cung thủ cừ khôi, xin cho phép ông bắn một mũi tên cuối cùng trước khi chết. Muhammad cảm thấy buồn cười vì người mù thì làm sao mà bắn cung được nữa nên đã ra lệnh mang cung tên đến. Người bạn – nhà thơ quay sang hỏi Muhammad một điều gì đấy. Ngay trong khoảnh khắc này một mũi tên bắn vào Muhammad và xuyên qua tim. 




Thượng Đế ở khắp nơi


THƯỢNG ĐẾ Ở KHẮP NƠI

Nanak, người sáng lập ra đạo Sikh – một trong những tôn giáo lớn của thế giới, là một người giản dị và rất đẹp. Ông chỉ có một đệ tử, người mà không bao giờ ông dạy cho một điều gì. Ông chỉ đơn giản là rất say mê hát còn đệ tử hát theo và chơi một nhạc cụ đơn giản.
Chuyện kể rằng, một lần Nanak đã đi chu du thiên hạ. Ông đi khắp Ả Rập Xêút đến Mecca, một nơi thiêng liêng của người Hồi giáo đó là hòn đá đenKaaba. Lúc này trời đã tối. Nanak cầu nguyện và nằm xuống nghỉ ngơi. Nhưng những người canh giữ đền thờ đã chạy đến nói rằng hành vi như vậy dường như họ không thể tin được.
- Ngài đến từ Ấn Độ, nơi mà mọi người đều biết làm thế nào để được tôn trọng. Ngài đặt bàn chân của Ngài hướng về hòn đá thiêng của chúng tôi. Điều này làm xúc phạm đến tình cảm tôn giáo của chúng tôi. Đối với chúng tôi, đá này là Thượng Đế, là thần thánh.
Nanak nói:
- Các bạn nói rằng Thượng Đế của các bạn ở trong đá, nhưng Thượng Đế của tôi không ở trong cái gì cả. Vì thế, bất cứ nơi nào tôi quay chân của tôi, Thượng Đế sẽ ở đó!